Phong Thuỷ là khoa học về sự vận động của Khí
Thuật Phong Thuỷ có vô vàn yếu tố khác nhau, từ xem xét địa hình, địa thế, núi non sông nước, tìm huyệt vị, sau đó lập hướng, phân kim tìm ra vị trí thích hợp nhất để dựng nhà, xây mộ. Sau đó cần xem xét bài trí phòng ốc, các bộ phận của ngôi nhà cho phù hợp với gia chủ và các thành viên trong gia đình, cuối cùng là chọn thời điểm xây dựng, sửa chữa, tu bổ phù hợp,…
Tuy có rất nhiều yếu tố khác nhau để xem xét cho một địa hình hoàn mỹ theo Phong Thuỷ, nhưng một phần rất quan trọng là sự phân bổ của khí trong ngôi nhà. Xét cho cùng thì khí chính là năng lượng chi phối hoạ phúc của mỗi con người. Khái niệm khí rất rộng, nó bao hàm sự vận động các nguồn năng lượng trong tự nhiên trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống con người.
Một ngôi nhà xem xét theo Phong Thuỷ chính là sự thiết kế sao cho đón được các luồng sinh khí tự nhiên, xa lánh được hung khí để đón phúc tránh hoạ. Sự vận động của khí trong ngôi nhà cũng giống như sự vận động của khí trong cơ thể. Nếu ta hít thở điều hoà, khí hít vào trong sạch nhiều ô xy tất mang lại sự sảng khoái và sức khoẻ. Trái lại, nếu khí hít vào ô nhiễm, bụi bẩn, khí không tuần hoàn được trong cơ thể thì sẽ mang lại bệnh tật và chết chóc. Khí trong ngôi nhà cũng thế, nó cần được tuần hoàn hợp lý, đem vượng khí vào nhà, thải được hung khí ra ngoài, như thế là yếu tố cơ bản cho một Phong Thuỷ tốt đẹp.
Theo thuật Phong Thuỷ, khí có hai loại là sơn khí và thuỷ khí, sơn khí bắt nguồn từ các dãy núi cao, chảy theo các mong mạch và phân bổ đến mọi vùng đất đai. Sơn khí là cơ sở nuôi dưỡng cho cuộc sống con người, cụ thể là sức khoẻ, quan hệ và con cái. Đi hộ vệ cho sơn khí là thủy khí tức là khí phát ra từ các nguồn nước như sông, biển, hồ chảy theo các con sông, dòng suối. Thuỷ khí đại diện cho tiền bạc và công việc làm ăn.
Một vị trí nhà ở Phong Thuỷ tốt cần có sơn khí và thuỷ khí nuôi dưỡng, do đó trong Phong Thuỷ cổ điển thường coi trọng thế toạ núi nhìn sông bởi tận dụng được cả sơn khí và thuỷ khí bao bọc ngôi nhà. Trong môi trường đô thị hiện đại thì cần thế nhà có phía lưng vững trãi, có nhà cao, đồi cao che chắn, phía trước có mặt đường rộng thoáng hoặc ngã ba ngã tư đem thuỷ khí vào nhà.
Ngoài nguồn sơn khí, địa khí tốt còn cần khí vào cửa vừa đủ không nhiều quá, không ít quá, tránh đường hẹp, ngõ hẹp khí vào bị thiếu, tránh đường ngắn, rộng đâm thẳng vào nhà khí sẽ bị nhiều quá chủ hung hoạ. Khí vào phải từ từ uyển chuyển quanh co, như vậy chủ về phúc lộc. Các công trình người xưa thiết kế đều có đường đi vào nhà quanh co uốn lượn để dẫn khí một cách nhẹ nhàng, từ từ vào nhà.
Khí đi vào nhà phải tuần hoàn khắp trong nhà, tránh để thoát ngay ra ngoài mà phải luân chuyển quanh co khắp nhà, sau đó mới thoát từ từ ra ngoài. Điều này giải thích tại sao trong Phong Thuỷ cấm kỵ hai cửa chính của hậu trực đối nhau, khí sẽ nhanh chóng bị thoát ra nên gia chủ không thể giữ vững tài lộc. Các cửa chính, cửa phụ, cửa hậu nên bố trí so le nhau để dẫn khí từ từ chạy khắp ngôi nhà. Nguyên lý trên cũng áp dụng tương tự cho cửa sổ, các cửa sổ không nên quá nhiều hoặc quá ít, bố trí thẳng hàng khí dễ bị tiêu tán, không tuần hoàn khắp ngôi nhà và, các căn phòng.
Khí không được bế tắc, tù túng, vì thế Phong Thuỷ không cho phép nhà không có hoặc có quá ít cửa phụ, cửa sổ, như thế sức khoẻ bị giảm sút, mọi việc bế tắc ngăn trở. Ngoài ra cần chú ý đến tính chất của khí, khí là tổng hợp cuả hai khí Âm và Dương, Dương khí tượng trưng cho những khí nhẹ nổi lên, màu sáng và nóng. Âm khí có tính chất hàn lạnh, âm u, màu tối hướng xuống. Vì thế khí phải quân bình âm dương, không được âm u cũng không được khô sáng quá, như thế sẽ không tốt cho nam hoặc nữ trong nhà. Cần bố trí màu sắc ánh sáng hài hoà cân đối, cảnh quan tươi mát hợp với Âm Dương – Ngũ Hành. (còn tiếp)
Leave a Reply