10 Nguyên tắc lớn của Phong Thuỷ (phần 3)
6. Thẩm định nguồn nước :
Nước vô cùng quan trọng đối với các sinh vật nói chung và với con người nói riêng. Về Phong Thuỷ, nước chính là những dòng mạch đi kèm hộ vệ cho sơn mạch. Chất lượng của đất quyết định chất lượng của nước bởi nước sinh từ trong lòng đất. Các phái Phong Thuỷ kinh điển chú trọng “tầm long nhận khí”, nhận khí thuờng thủy”, tức luôn lấy chất lượng thuỷ làm tiêu chuẩn đánh giá khí trường tốt xấu. Nên lưu ý những kinh nghiệm sau đây về chất lượng cuả nước : Quý nhất là sắc nước trong màu xanh ngọc, vị ngọt hoặc nước phát ra mùi thơm không tanh hôi chủ đại quý. Khí chất nước trong màu trắng, vị thanh, ấm áp chủ trung quý. Mạch nước cần dài sâu, bốn mùa xuân hạ thu đông đều không cạn kiệt. Tránh nước có màu sắc đen, sắc đỏ, nguồn nước hung dữ, nước vẩn đục tanh hôi, hoặc vị đắng chủ hung khí. Phải lưu ý rằng nếu nước xấu sẽ có những nguyên tố có hại cho sức khoẻ con người mà khoa học hiện đại cũng chỉ ra đó là những nhân tố có thể gây bệnh như ung thư.
7. Toạ bắc hướng nam :
Đối với các tỉnh phía Bắc, chịu ảnh hưởng chủ yếu của khí hậu nhiệt đới gió mùa, gió mùa thường thổi vào từ phương Bắc mang theo khí lạnh nên gọi là âm phong, chủ hại cho sức khoẻ con người và mọi vật. Phương nam thường có gió đông nam ấm áp, nhiều hơi nước gọi là dương phong tốt mang nhiều dương khí. Thường nhà cửa từ xưa đều chọn toạ bắc hướng nam vì vừa tránh được lạnh, vừa lấy được gió mát nam mùa hè. Tuy nhiên đối với các khu vực ở miền nam thì sự suy luận lại đảo ngược, phương bắc lại là phương tốt để lập hướng. Thông qua việc ngũ hành âm dương hoá các phương vị đã phản ánh được tính chất của khí hậu và sự vận chuyển các luồng khí theo thời gian và không gian.
8. Nguyên tắc hài hoà trung tâm :
Xét trong một chỉnh thể thống nhất, Phong Thuỷ tối quan trọng sự hài hoà âm dương, thể hiện ở nguyên lý nhà cửa phải hài hoà cân đối, không cao không thấp, không nghiêng lệch, thường được thiết kế theo nguyên tắc cân đối, đối xứng theo hình chữ Tam, chứ Tứ. Nếu hình thế quá cao thì gọi là cô dương không tốt chủ sự thái quá. Nếu hình thế quá thấp gọi là cô âm chủ sự bất cập, đòi hỏi phải cao vừa phải, cân xứng. Sau khi xây dựng nên các công trình sẽ hình thành nên trường khí, sự vận chuyển của khí phụ thuộc rất nhiều vào quy hoạch kiến trúc. Phải lấy khí uốn lượn hữu tình, tụ khí, tránh khí bị trực xạ, tản mát, minh đường cần rộng thoáng vừa với huyệt để dừng khí trước khi tụ lại huyệt. Lấy một toà nhà trung tâm làm chính, các phương tả hữu phải thiết kế phù trợ cho trung tâm, tránh to lớn hoặc cách xa trung tâm để tạo thế vua tôi triều củng.
9. Nguyên tắc cải tạo :
Ngoài việc thuận theo hình thế tự nhiên của núi sông, tìm ra nơi sinh khí tụ hội để xây dưng. Ngoài ra tự nhiên không phải bao giờ cũng tối ưu về mọi mặt. Thông qua sự khảo sát tìm ra khiếm khuyết của huyệt, dùng những cách thức cải sửa Phong Thuỷ thích hợp sẽ hoá giải được những bất cập. Nếu thiếu sơn thuỷ có thể xây dựng các công trình giả lập, khí không tụ tàng có thể xây dựng để hướng dẫn luồng đi của khí theo hướng thích hợp tránh được tản mát. Nếu chất lượng khí, nước không tốt có thể cải sửa thanh lọc dần biến hung thành cát hoặc ít ra cũng đỡ được một phần cái xấu.
10. Tiên tích đức hậu tầm long :
Cái đích cuối cùng cuả thuật Phong Thuỷ là đạt tới mức Thiên -Địa – Nhân tương hợp. Để sử dụng, cảm hoá được những nguồn năng lượng của trời đất, con người cũng phải có được những giá trị tương ứng về tâm linh với cùng một sự đồng cảm. Đòi hỏi phải tu nhân tích đức, chỉ khi có đức mới tìm ra được những huyệt vị tốt hài hoà với căn cơ của mình. Bởi luật nhân quả chi phối rốt ráo mọi hoạt động của con người
Leave a Reply