Home 2013 September 24 Kinh Dịch – Bát Quái là gì ?

Kinh Dịch – Bát Quái là gì ?

Kinh Dịch – Bát Quái là gì ?









Theo cổ nhân xưa, lúc đầu vũ trụ chỉ là một khối hỗn độn, không có hình dạng rõ ràng được gọi là thời hỗn mang. Trong sự hỗn mạng đó, vũ trụ còn chưa có sự định hình hình và phân chia gọi là Thái Cực. Sở dĩ gọi là Thái Cực vì nó huyền bí và vô tận nên không thể xác định rõ trạng thái cuả nó ra sao.

Tuy nhiên, mặc dù không biết được bản tính của Thái Cực song ta có thể dựa vào sự quan sát về tính cách biến hoá của vạn vật mà suy ra được cơ chế vận động của Thái cực. Căn bản của sự chuyển biến hoá được biểu lộ bằng hai trạng thái tương phản là Động và Tĩnh. Động gọi là Dương, tĩnh gọi là Âm. Âm lên đến cực độ thì lại biến ra Dương và ngược lại . Hai cái trạng thái tương đối của cái Bản thể nguyên khởi duy nhất ( Thái Cực ) cứ tiếp diễn mãi, điều hợp với nhau, sinh sinh hoá hoá không ngừng mà sinh ra Trời, Đất, Người cùng vạn vật . Vì Âm Dương phối hợp, đùn đẩy lẫn nhau nên có sự biến chuyển. Sự biến chuyển chính là nền tảng của Dịch. Do đó, trong phần chú giải kinh Dịch, Khổng Tử đã nói “Âm nhu Dương cương , Cương nhu tương thôi sinh nhi biến hoá “ (Nghĩa là Âm thì mềm, Dương thì cứng, cứng mềm đùn đẩy lẫn nhau chuyển hoá thành thiên hình vạn trạng).

Theo cổ nhân , mỗi chu trình gồm bốn giai đoạn :
a) Nguyên : Khởi đầu của sự biến hoá
b) Hanh : Sự thông đạt , hội hợp các thành tố
c) Lợi : Sự thỏa đáng các điều kiện cần thiết cho sự tăng trưởng
d) Trinh : Sự thành tựu chung cuộc của một chu trình sinh ra sự vật

Biến hoá là biểu hiện bên ngoài của Thái Cực mà đạo Dịch căn cứ trên sự biến hoá của vũ trụ và vạn vật. Do đó, Kinh Dịch mô tả diễn trình chuyển hoá (Dịch) một cách khái quát như sau :
“Dịch hữu Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh Bát quái , Bát quái sinh Ngũ Hành” : Đạo Dịch có nguồn gốc là Thái Cực, Thái Cực sinh ra hai Nghi (Âm và Dương ) hai Nghi sinh ra bốn Tượng ( bốn trạng thái tượng trưng bằng bốn mùa Xuân , Hạ, Thu, Đông ), bốn tượng sinh ra tám Quẻ (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài) tượng trưng cho Trời, Đầm, Lửa, Sấm, Gió, Núi, Nước, Đất ), tám Quẻ sinh ra năm Hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Như vậy ta có thể hiểu, tám quẻ của Bát Quái tượng trưng cho 8 trạng thái khác nhau của Âm Dương trong quá trình hình thành vũ trụ và mọi vật.
Khởi đầu của sự biến hoá rất đơn giản, rồi từ cái đơn giản đó mà chuyển hoá dần dần để thành ra phức tạp. Vì Âm Dương là hai thành tố đầu tiên của vũ trụ, nên được Kinh Dịch chọn là biểu tượng căn bản và tượng trưng bằng hai cái vạch đơn giản :
Vạch liên tục ( – ) tượng trưng cho Dương
Vạch gián đoạn ( – – ) tượng trưng cho Âm
Âm Dương giao nhau, chuyển hoá lẫn nhau mà sinh ra tứ tượng, tức bốn trạng thái khác nhau của Âm Dương là:
Thái dương :



Thiếu âm :




Thiếu dương :




Thái âm :





Người xưa lấy tứ tượng để tượng trưng cho 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông và 4 phương Đông, Nam, Tây, Bắc.
Tứ tượng vận động và hình thành 8 trạng thái chi tiết hơn, đó là Bát Quái tức tám trạng thái khác nhau của Âm Dương gọi là Tám Quẻ Đơn :

1. Càn :



Đặc tính : Vì toàn hào dương nên toàn là khí Dương, là trời. Có tính chất cương quyết, ban phát, hướng lên trên.

2. Đoài :



Đặc tính : Một Âm ở trên, hai Dương ở dưới đang hướng lên trên nên vui vẻ, hoà duyệt. Hình dạng như cái ao.

3. Ly :



Đặc tính : Có một Âm ở giữa, hai Dương bao bọc bên ngoài nên như ngọn lửa cháy. Tính sáng láng và bám dính.

4. Chấn :



Đặc tính : Có một Dương là ánh sáng ở dưới bốc lên, hai Âm ở trên như đám mây. Vì vậy là sấm sét, có tính kích động, thay đổi.

5. Tốn :



Đặc tính : Hai dương ở trên, một âm ở dưới nên có tính khuất phục, tượng như cơn gió thổi. Tính thuận theo và hoà nhập.

6. Khảm :



Đặc tính : Trong là một dương nóng, ở ngoài hai âm lạnh bao bọc nên là nước. Có tính chất bế tắc hãm kẹp, hiểm trở.

7. Cấn :



Đặc tính : Dưới là hai dương lạnh hãm, trên là một dương nóng sáng như trái núi úp xuống. Tính chất ngăn chặn, ngưng nghỉ.

8. Khôn :



Đặc tính : Toàn là hào âm nên là đất, tính chất nhu thuận mềm yếu.

8 quẻ đơn xếp chồng lên nhau tổ hợp thành 64 quẻ kép, mỗi quẻ kép có 6 hào. Mỗi quẻ kép đều có tượng quẻ tức là hình tượng của quẻ và chiêm của quẻ để người xem biết việc lành dữ ra sao.

Ví dụ : Xếp quẻ Tốn trên quẻ Ly ta được quẻ Phong Hoả Gia Nhân. Quẻ này có nghĩa là người nhà, việc trong nhà, đạo nhà, tình nghĩa, luân lý trong gia đình. Quẻ Tốn ở trên, quẻ Ly ở dưới tượng trưng cho Nam ở ngoài, nữ ở trong cai quản gia đình một cách hợp lý vui vẻ

Author: Tuấn Kiệt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *