Học thuyết Ngũ Hành Luận
Trong vũ trụ nói chung và trái đất nói riêng, hai khí Âm Dương vận động hình thành nên vạn vật hay thế giới vật chất được hình thành nên từ hai khí Âm và Dương. Người xưa phân chia một cách tương đối thế giới vật chất thành 5 loại vật chất biểu kiến, gọi là Ngũ Hành bao gồm : Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ.
Ngũ hành
Học thuyết Ngũ Hành là một trong những học thuyết cơ bản nhất của nền văn hoá thần bí Trung Hoa. Học thuyết Ngũ Hành được sáng tạo và vận dụng thể hiện một cách đầy đủ nhất và rõ ràng nhất trong tác phẩm Hoàng Đế Nội Kinh Tố Vấn. Một tác phẩm về Y Học Cổ Đại đã dùng học thuyết Ngũ Hành để vận dụng vào việc chữa bệnh. Tác phẩm này đã ra đời cách đây khoảng 3000 năm trước công nguyên. Như vậy, có thể nói học thuyết này được hình thành trước cả sự ra đời của Kinh Dịch.
Nội dung cơ bản của Học thuyết Ngũ Hành là mối liên hệ biện chứng duy vật giữa các sự vật hiện tượng trong giới tự nhiên. Năm loại vật chất này vận động, chuyển hoá và tác động lẫn nhau hình thành nên thế giới tự nhiên, xã hội và tư duy. Ngũ Hành vừa có tác động thúc đẩy, vừa có tác động ức chế lẫn nhau hình thành nên một vũ trụ luôn luôn vận động theo hình xuáy trôn ốc giống như quan điểm vật chất luôn vận động trong triết học Mác-Lênin. Nó có ứng dụng rộng rãi trên mọi lĩnh vực khoa học và đời sống.
Đặc tính ngũ hành được khái quát như sau :
+ Mộc : Là cây cỏ, gỗ nói chung, có tính chất sinh sôi, dài thẳng. Khí của Mộc làm cho vạn vật được tươi tốt.
+ Hoả : Là lửa, ánh sáng, có tính chất nóng hướng lên trên. Khí của Hoả làm cho vạn vật sinh trưởng, dồi dào.
+ Thổ : Là đất đai, có tính chất nuôi lớn, hoá dục. Khí của Thổ làm cho vạn vật được đầy đủ hình thể.
+ Kim : Là kim loại, có tính chất yên tĩnh, thu tàng. Khí của Kim làm cho vạn vật kết quả.
+ Thuỷ : Là nước, có tính chất hàn lạnh hướng xuống. Làm cho vạn vật tĩnh lặng, bế tàng.
Ngũ Hành tuân theo những quy luận vận động nhất định, có hai quan hệ giữa các Hành, đó là quan hệ tương sinh và tương khắc, tiêu biểu cho quá trình thúc đẩy, chuyển hoá và ức chế lẫn nhau của vật chất.
Tương sinh có nghĩa là cùng bồi bổ, thúc đẩy, trợ giúp cho nhau : Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thuỷ, Thuỷ sinh Mộc.
Ta có thể hiểu một cách đơn giản về quy luật Ngũ Hành tương sinh như sau : Cây cỏ khi bị đốt chy sinh ra lửa, như vậy là Mộc sinh Hoả. Hoả khi bị đốt cháy sẽ biến thành tro, tro lại trở về thành đất. Như vậy là Hoả sinh Thổ. Đất đai nuôi dưỡng trong mình nó những quặng kim loại. Như vậy là Thổ sinh Kim. Kim loại khi bị nung chảy thì biến thành nước phản ảnh quy luật Kim sinh Thuỷ. Thuỷ là nước lại tưới nuôi dưỡng cây, đó là Thuỷ sinh Mộc.
Tương khắc là chế ngự khống chế lẫn nhau: Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thuỷ, Thuỷ khắc Hỏa, Hoả khắc Kim, Kim khắc Mộc.
Ta có thể hiểu một cách đơn giản về quy luật Ngũ Hành tương khắc như sau : Cây cỏ sống dựa vào đất, hút hết màu mỡ và tinh tuý của đất để phát triển phản ánh quy luật Mộc khắc Thổ. Đất dùng để ngăn đê, đắp đập chống lại nước. Như vậy là Thổ khắc Thuỷ. Nước dùng để dập tắt lửa phản ánh quy luật Thuỷ khắc Hoả. Lửa nấu chảy kim loại nên Hoả khắc Kim. Kim loại lại chế ra dụng cụ chặt cây cối nên Kim khắc Mộc.
Trên đây chỉ là những mô tả rất đơn giản, thực tế Ngũ Hành tượng trưng cho năm loại vật chất trong vũ trụ, những quy luật tương sinh tương khắc phản ánh quá trình tương tác của thế giới vật chất. Mặc dù thế giới vật chất vốn bao la, vô cùng vô tận nhưng người xưa lại có thể phân chia và phát hiện ra những quy luật chi phối, điều đó quả là kỳ diệu
Leave a Reply