Home 2014 February 07 Số mệnh là gì ?

Số mệnh là gì ?

Số mệnh là gì ?

Liệu có số mệnh con người hay không ? Nên hiểu số mệnh con người như thế nào ?



Số mệnh con người lại là một hàm số tổng hợp bởi ngoài “Thiên Mệnh” thì con người còn phục thuộc vào gen di truyền, vào môi trường sinh hoạt, vào vị trí địa lý và nỗ lực mỗi cá nhân. Chính vì vậy hai người sinh cùng một thời điểm nhưng lại có thể có số mệnh khác nhau.


Tổng quát ta có thể ước lượng số mệnh con người qua hàm số:


Số mệnh = Thiên Mệnh + Địa Mệnh + Nhân Mệnh


Trong đó “Địa mệnh” là môi trường xã hội và Phong Thuỷ nơi sinh sống. “Nhân mệnh” là phần nỗ lực của mỗi cá nhân trong cuộc sống. Phần “Thiên mệnh” là cố định nhưng phần “Địa mệnh”“Nhân mệnh” hoàn toàn có thể cải biến, đó cũng là ý nghĩa nhân văn cao cả khi chúng tôi viết cuốn sách này.


Cũng xin nói thêm, trong lịch sử đã hình thành nên 3 luồng tư tưởng chính của các triết gia Trung Hoa về số mệnh, đó là :


1. Tư tưởng của Khổng Tử và Mạnh Tử :


Hai người cho rằng có mệnh trời và đó là điều vô hình, huyền diệu của tạo hoá, của trời đất. Con người có thể hiểu được cũng có thể không. Tuy nhiên họ không cho đó là kịch bản cố định mà con người phải tuân thủ hoàn toàn mà hoàn toàn bằng nhân lực của mình, con người có thể cải sửa số mệnh. Khuyên bảo người đời “Tận nhân lực, tri thiên mệnh” nghĩa là hãy cố gắng làm hết sức mình rồi thành bại thế nào mới biết được mệnh trời.


2. Tư tưởng của Trang Tử, Vương Sung :


Ông cho rằng con người quá nhỏ bé trong vũ trụ và chịu sự cho phối hoàn toàn vào định mệnh. Họ đều cho rằng con người thành bại, nghèo hèn hay giầu sang đều do định mệnh, ngay cả vận nước cũng do thiên mệnh chi phối không thể thay đổi. Cả hai người có phần bi quan, quá tin vào số mệnh và khuyên con người nên an phận.


3. Tư tưởng của Tuân Tử, Mặc Tử :


Hai vị này phủ nhận sự tồn tại của số mệnh và cho rằng tất cả hoạ phúc con người đều do chính hành động của họ tạo thành. Họ khuyên con người nên gắng sức làm mọi việc, nếu việc chưa thành là do chưa gắng hết sức chứ không phải do số mệnh. Con người có thể thắng số và việc tìm hiểu Thiên mệnh là điều không cần thiết. Đây là tư tưởng lạc quan đầy niềm tin vào sức mạnh con người.


Trong 3 tư tưởng trên chúng ta thấy tư tưởng Khổng Mạnh ở vị trí trung dung rất có sức thuyết phục. Biết số để cải số, để sống và làm việc cho hợp với vận mệnh của chính mình để cải biến nó, vận dụng linh hoạt điều đó tuỳ theo từng cá nhân, từng hoàn cảnh, từng thời điểm thiết nghĩ là bí quyết huyền diệu của thuật Nhân Sinh.


Từ khi Trần Đoàn đời nhà Tống phát minh ra môn Tử Vi, khoa này xuất phát từ trung Hoa nhưng lại được nhân dân Việt Nam ta kế thừa và phát huy thành môn sở trường, ngày nay càng ngày càng thịnh vượng và thu được nhiều thành tựu. Biết mình để sửa mình, biết người để xử thế, để sửa người cả hai đều mang lại hạnh phúc cho cá nhân và xã hội.


Cái biết trước bao giờ cũng làm cho con người ta tự tin hơn, mạnh mẽ và chủ động hơn trong cuộc sống, chủ động đón nhận những khó khăn mất mát. Cá nhân dùng cái biết đó để cải tạo tâm lý, hướng thiện, tích đức sẽ tạo thêm điều kiện thành công trong cuộc sống, mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh. Lúc đó con người không còn bị tri phối hoàn toàn vào số mệnh mà làm chủ được số mệnh, tự mình xây dựng nên chính mình.

Author: Tuấn Kiệt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *