Câu hỏi: Chúng con là cư sĩ và không phải lúc nào chúng con cũng có bậc đạo sư bên cạnh vậy Ngài khuyên chúng con nên tu tập như thế nào?
Sự hiện diện về tinh thần quan trọng hơn sự hiện diện về thân xác. Giữa tâm và tâm không có khoảng cách [vật lý]. Nếu con hướng tới Guru của con với tâm chánh niệm thì tâm tỉnh giác và chánh niệm của con cũng giống như tâm chánh niệm và tỉnh giác của thầy con, không có gì sai biệt. Ta [cũng như các bậc thầy khác] không bao giờ quên nghĩ tới các đệ tử của mình và bao giờ cũng thương yêu họ. Bất cứ khi nào con nghĩ tới thầy con thì tâm con và tâm ngài là một. Khi nào con nghĩ tới thầy con và khấn nguyện thì nhờ chánh niệm mà mọi nghi ngờ, thắc mắc tự nhiên tan biến. Bởi vì tâm không biết đến khoảng cách. Thân xác có thể xa nhưng tâm không vì thế mà xa. Khoảng cách vật lý không có ý nghĩa gì đối với tâm. Vì tâm thức không bị chia cắt bởi không gian vật lý.
Chẳng hạn như con là đệ tử của thầy và con hành trì ở Việt Nam, thầy thì công phu bên Mỹ. Nếu con tu và ta cũng tu thì tuy thân xác chúng ta xa nhau nhưng tâm lại là một, rất gần nhau. Gần nhau giống như hòa làm một. Cũng như trên trái đất này có rất nhiều nguồn nước khác nhau nhưng đều có chung một tên gọi là “nước”. Mỗi khi con nghĩ về Guru của mình với tâm chí thành, chí tín thì tâm con sẽ hợp nhất với tâm của đạo sư. Tâm của chúng ta giống như tấm gương soi phản ảnh tất cả những gì ta suy nghĩ trong đầu. Nếu tâm của ta nghĩ đến Guru thì tự khắc ta sẽ nối tâm được với ngài. Khi không có cơ duyên được gặp gỡ thường xuyên với vị Guru của mình thì chúng ta có thể gặp gỡ các vị đạo sư khác và
cũng sẽ có được lợi lạc từ các vị ấy vì thật ra tâm của các ngài đều như nhau.
Leave a Reply