Câu hỏi: Khi chúng con đã thọ giới Bồ Tát rồi thì có cần phải thọ giới thường xuyên không ạ?
Việc nhớ và nghĩ tới Giới Bồ Tát quan trọng hơn việc thọ giới. Tất nhiên nếu con thọ giới hàng ngày thì cũng tốt nhưng tốt hơn là luôn nghĩ đến nó. Ví dụ, nếu con phát nguyện tụng OM MANI PADME HUM thì buổi đêm mỗi khi con thức dậy con phải tụng vài biến rồi mới ngủ lại. Cũng như vậy, khi con gặp chướng duyên thì con càng phải nhớ nghĩ tới thệ nguyện Bồ Tát.
Giới Bồ Tát có nghĩa là phải thương yêu hết tất cả hữu tình chúng sinh không sót một ai. Nguyên nhân dẫn đến việc phạm giới Bồ Tát là tâm sân hận, oán ghét. Khi con nhận ra rằng mình đang oán ghét, sân hận một ai đó thì cần phải phục hồi lại Giới Bồ Tát bằng tình thương yêu. Vì vậy có câu nói rằng giới nguyên Bồ Tát có thể bị phá vỡ một cách dễ dàng nhưng cũng có thể phục hồi giới nguyện này dễ dàng thông qua việc sám hối và phục hồi tình thương yêu với người mà mình oán ghét, sân hận.
Điều rất quan trọng trong khi hành trì Ba Mươi Bảy Pháp hành Bồ tát đạo là hành trì miên mật (tụng đọc) từng câu kệ một với chánh niệm, tỉnh thức. Và con có thể giữ chánh niệm tỉnh thức bằng cách trì tụng OM AH HUM. Con có thể tụng như vậy suốt ngày với từng hơi thở của mình. Ý nghĩ của giới nguyện Bồ Tát là ở chỗ ta không được đánh mất tình thương yêu đối với chúng sinh, và ta không được để cho ganh ghen, đố kỵ, sân hận nổi lên. Nếu con giữ chánh niệm tỉnh giác thường xuyên thì đó có nghiã là con sẽ không phạm bất cứ giới nguyện nào thuộc Biệt giải thoát giới, Bồ Tát giới và Mật nguyện.
Trong Ba Mươi Bảy Pháp hành Bồ tát đạo có dạy rằng ta phải luôn luôn quan sát để biết được tâm mình, để biết được tâm ta đang ở trong trạng thái nào (có tham, sân, si nào). Tóm lại bằng việc thường xuyên duy trì chánh niệm tỉnh giác ta có thể thực hành Bồ Tát đạo vì lợi lạc của hữu tình chúng sinh. Sâu trong tâm chúng ta phải đặt người khác lên trước bản thân mình và trong hành động ta phải đối xử với người khác như đối với bản thân mình.
Leave a Reply