Ý nghĩa và thực hành cúng Tsok
“Thông qua sự kết nối cát tường này các con sẽ đạt tới Giác ngộ cùng nhau và sẽ cùng nhau tái sanh vào chung một cõi tịnh độ.”
Tổ Milarepa đã đưa ra ba giáo huấn về cúng tsog. Ngài dạy rằng:
– Khi ta ăn thì thức ăn trở thành một bữa tiệc cúng dường thịnh soạn.
– Khi ta đi thì việc đó phải trở thành đi nhiễu (cora).
– Khi ta ngủ và nằm mơ thì việc đó phải trở thành thực hành giấc mộng ánh sáng.
Thế nên khi các con thực hành cúng tsog, lama chopa, có nghĩa là cúng các con dường Đạo sư – đó là tiệc cúng dường. Khi tiến hành cúng dường hãy nghĩ rằng Đạo sư luôn ở trong tim con, Đạo sư luôn luôn ở trong tâm con. Bất cứ điều gì ta nghĩ tưởng sẽ đều trở thành sự thật. Ví dụ, khi con nghĩ tưởng về Bổn tôn, nghĩ rằng ta là Bổn tôn thì ta sẽ trở thành Bổn tôn. Và vì ta đã là một vị Bổn tôn, thức ăn ta thọ dụng sẽ trở thành vật phẩm cúng dường Bổn tôn. Ta sẽ không bị vi phạm giới hạnh vì khi nghĩ tưởng về Bổn tôn thì lúc đó tâm ta không có ngã chấp.
Tất cả chỉ là bản tánh thanh tịnh của chư Phật, bản tánh của Pháp thân. Và nơi Tánh Không thanh tịnh điều gì cũng có thể. Vì nó vốn trống rỗng, nên nó có thể trở thành bất kỳ thứ gì mà ta nghĩ tưởng đến. Khi ta phát khởi Bồ Đề Tâm, và nghĩ tưởng về Bổn tôn, lập tức ta trở thành như vậy. Khi ta nghĩ về bản thân [với tâm chấp ngã], ta sẽ không thể trở thành Bổn tôn vì là “ta” rồi. Thế nên điều quan trọng nhất là khi chúng ta thọ dụng thức ăn và cúng dường như thế này thì chúng ta phải phát khởi Bồ Đề Tâm. Ta thực hành không phải vì lợi ích cho riêng bản thân mà còn vì lợi lạc cho tất cả những chúng sinh khác. Lợi lạc cho chúng sinh khác mới thật sự là tối quan trọng.
Để sinh tồn chúng ta phải ăn để sống – điều đó không gì đáng quan ngại. Nếu tâm chúng ta chân thật thì việc nuôi dưỡng thân mình không có sai trái gì. Để thân ta tồn tại và làm lợi lạc cho chúng sinh khác thì nó cũng cần được duy. Tuy nhiên, khi cúng tsog thì phải nhớ rằng đây là thực hành của Kim Cang Thừa. Điều này sẽ khiến ta khởi phát những tri kiến thanh tịnh. Trong khi cúng tsog, hãy nhận thấy rằng ta và các chúng sinh khác cũng đều thanh tịnh như Bổn tôn.
Về bản chất tâm ta hoàn toàn thanh tịnh. Thân chúng ta bao gồm ngũ uẩn. Về bản chất, ngũ uẩn cũng là hoàn toàn thanh tịnh. Người ta thường nói rằng ngũ uẩn chính là ngũ trí Phật mẫu. Ngũ độc trong tâm của chúng sinh khi được nhận biết sẽ trở thành ngũ trí Như Lai thực sự. Tất cả mọi thứ xuất hiện và tồn tại đều hoàn toàn thanh tịnh. Ví dụ, một miếng trái cây chứa đựng các nguyên tố, và vì vậy bản tính nó là thanh tịnh. Vì thế điểm cốt yếu của cúng dường tsog là để nhớ rằng toàn thể vũ trụ và tất cả chúng sinh thật ra về bản chất đều là thanh tịnh. Nếu các con hiểu được điều này thì nó sẽ trở này sự thật.
Cúng dường tsog chân thật sẽ nhận được sự gia trì gia hộ lớn lao. Nếu các con không còn bám chấp vào ngã, các con sẽ thấy mình và những người khác là Bổn tôn. Khi đó bất kể là con hưởng thụ lạc cảnh nào cũng không tạo thành những hành động bất thiện mà thay vào đó sẽ tích tụ phước đức không ngừng (do ngũ độc chuyển hóa thành năng lượng từ bi trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm). Chỉ khi ta thỏa mãn, dính mắc với những tham luyến của mình thì mới tích lũy bất thiện nghiệp. Khi các con nuông chiều tâm chấp ngã của mình thì các con đã tích lũy bất thiện nghiệp. Vì vậy Bồ Đề Tâm cũng theo đó mà suy giảm. Cúng dường có trở nên thanh tịnh hay không phụ thuộc vào khả năng dưỡng trưởng Bồ Đề Tâm và tri kiến thanh tịnh. Nếu các con có khả năng khởi phát Bồ Đề Tâm thì những hưởng thụ lạc cảnh đều trở thành những bữa tiệc cúng dường thịnh soạn đến Bổn tôn. Không có Bồ Đề Tâm, không có tri kiến thanh tịnh, việc đó sẽ trở thành những hoạt động đơn thuần của luân hồi.
Trong lễ cúng dường tsog, kể cả những hỉ lạc từ ngũ uẩn chúng ta cũng cúng dường cho tất cả chúng sinh đang ngập tràn trong không gian, có thân lẫn không có thân.
Đức Phật từng dạy rằng để có thể liên tục giữ được tâm chuyên nhất chúng ta cần thực hành minh chú OM AH HUNG. Nếu các con thực tin vào câu minh chú đó với tâm chân thành thì với mỗi hơi thở, các con đều thâm nhập khắp sáu cõi luân hồi. Và khi ta cúng dường thức ăn đến họ, tâm chân thành và chuyên nhất sẽ lan tỏa khắp sáu cõi và đến tận những Tịnh thổ để dâng cúng đến toàn thể chư Phật. Các con thật sự đang tiến đến gần hơn với nhau để chia sẻ tình yêu thương, để hạnh phúc cùng nhau. Các con đã thiết lập được sự nối kết với nhau trong nhiều đời, và thông qua sự kết nối cát tường này các con sẽ đạt tới Giác ngộ cùng nhau và sẽ cùng nhau tái sanh vào chung một cõi tịnh độ. Trong tương lai, các con sẽ thâm nhập được cùng một mandala. Tuy nhiên để điều đó trở thành hiện thực, các con phải tuân thủ samaya (giới nguyện).
Khi nói về samaya, chúng ta thường nghĩ tới việc giữ giới nguyện thanh tịnh [trong quan hệ] với Đạo sư của mình. Tuy nhiên giữ giới nguyện trong sạch còn có nghĩa là không được phá samaya đó đối với các đạo hữu và những chúng sinh khác. Thật là vô nghĩa nếu ta nói mình giữ samaya với Đạo sư trong khi đó lại phá vỡ giới nguyện với đạo hữu. Giới nguyện này rất đơn giản – đó là tình thương yêu. Các con càng phải dành tình thương yêu này cho những người ở gần bên mình, xung quanh mình trong đời sống hằng ngày. Thế nên đừng bao giờ để samaya này suy giảm vì tất cả chúng ta có thể đạt đến giác ngộ cùng nhau.
Và tất nhiên, giận dữ có thể phát khởi bất cứ lúc nào. Tuy nhiên dù nó phát khởi, các con có thể nhận ra nó tức thời và sám hối. Thực hành kham nhẫn và luôn nghĩ tưởng rằng “Ta phải kham nhẫn”. Ngoài ra các con còn phải dưỡng trưởng tri kiến thanh tịnh trong tâm. Đặc biệt là đối với các đạo hữu, các con phải thấy rằng tất cả người nam đều là Chenrezig (Quán Thế Âm) và tất cả người nữ đều là Tara.
Trong khi cúng dường tsog, các con nên cầu nguyện: “Nguyện cho tất cả chúng sinh nam đều khởi phát Bồ Đề Tâm và trở thành Chenrezig. Nguyện cho tất cả chúng sinh nữ đều khởi phát Bồ Đề Tâm và trở thành Tara.” Đây cũng là một lợi lạc khác của việc cúng dường tsog. Lễ cúng dường tsog thanh tịnh hay không tùy thuộc vào năng lực dưỡng trưởng Bồ Đề Tâm và tri kiến thanh tịnh.
Leave a Reply