Câu hỏi: Việt Nam vào hai thời Lý, Trần đạo Phật rất phát triển. Có các thiền sư làm nhiệm vụ hộ quốc, chống xâm lăng, mang lại hòa bình cho quốc gia. Vậy điều thứ 13 [trong Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo] được giải thích như thế nào? Có vi phạm hạnh Bồ Tát hay không? Bảo vệ tổ quốc thì phải tiêu diệt kẻ thù. Vậy tội sát sinh này nên hiểu như thế nào ?
Nếu như buộc phải sát hại người khác để bảo vệ tổ quốc của mình thì nghiệp báo không lớn bởi vì yếu tố quyết định quả báo ta phải chịu là động cơ dẫn đến hành động ấy.
Trong Phật giáo Đại thừa bao giờ cũng nhấn mạnh Bồ đề tâm, nhấn mạnh rằng tâm chúng ta làm việc gì cũng hướng về lợi ích của chúng sinh chứ không phải lợi ích của riêng bản thân mình. Nếu như chúng ta buộc phải làm việc đó để bảo vệ tổ quốc mình thì quả báo có thể sẽ nhẹ chứ không nặng. Thậm chí nếu như chúng ta giết một con vật thôi mà ta làm với động cơ ích kỉ, vì tham lam hay sân hận, thì quả báo nhiều khi còn nặng nề hơn rất nhiều. Nếu ta làm việc gì đó với động cơ vị kỷ thì đôi khi mình tưởng đó là việc nhỏ nhưng thật ra quả báo lại có thể rất nặng do tâm ác tạo ra.
Khi ta sát hại người khác, cho dù ngay cả ta làm việc đó với động cơ vị tha thì ta cũng đã tạo ra nghiệp giữa chúng ta với họ, nhưng quả báo đó có thể sẽ không nặng. Ví dụ, trong kinh Hiền Ngu có kể câu chuyện về Đức Phật. Kiếp trước Ngài là một thuyền trưởng của một thuyền buôn. Trên thuyền buôn đó 500 hành khách. Thuyền trưởng biết rằng trong số hành khách đi trên chiếc thuyền buôn đó có một tên cướp muốn giết những hành khách kia. Ông biết nếu để kẻ đó giết những người còn lại thì quả báo của hắn sẽ vô cùng nặng nề nên ông đã giết tên cướp kia để hắn không bị đọa ngục vì tội lỗi khủng khiếp đó. Kết quả, thuyền trưởng không bị đọa ngục mà quả báo của ngài rất nhẹ: kiếp sau ngài bị một cái gai ở chân.
Leave a Reply