Lời dạy của thầy về Bồ đề tâm
Động cơ của chúng ta trong việc tu tập Phật Pháp phải là Bồ Đề Tâm. Bồ Đề Tâm là gì? Có thể tạm được giải thích bằng những tâm nguyện như sau:
1) Nguyện cho hữu tình chúng sinh thoát khỏi luân hồi sinh tử.
2) Nguyện cho tất cả chúng sinh luôn hạnh phúc và thoát khỏi mọi cội nguồn đau khổ.
3) Nguyện cho chúng sinh thoát khỏi được 3 gốc rễ của đau khổ (tham, sân, si).
4) Nguyện đạt đến Phật quả để độ tất cả chúng sinh.
Trước hết phải phát nguyện tu tập để đạt giác ngộ giải thoát – Phật quả – vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Và đây chính là Bồ Đề Tâm NGUYỆN (phát nguyện). Bồ Đề Tâm Nguyện này chỉ mới dừng lại ở mức độ mong muốn. Mong muốn không thôi thì chưa đủ mà phải có sự thành tựu – Phật quả. Muốn đạt Phật quả thì phải có hành động – Bồ Đề Tâm HẠNH (áp dụng thực hành).
Ví như chúng ta muốn đến chiêm bái Bồ Đề Đạo Tràng, thì việc mong ước, phát nguyện không thôi là chưa đủ mà chúng ta còn cần đến rất nhiều thứ như là: tiền, xe cộ, bản đồ, vật dụng, và các chuẩn bị khác. Tất cả những thứ vừa kể trên đều là phương tiện, và khi đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện ta mới bắt đầu lên đường. Cũng tương tự như vậy, sau khi phát được Bồ Đề Tâm Nguyện thì chúng ta phải áp dụng thực hành – Bồ Đề Tâm Hạnh – có nghĩa là thực hiện Bồ Đề Tâm Nguyện cho đến khi viên mãn. Đối với một hành giả Mật Tông phương tiện để đạt tới Phật quả là gì? Nếu chúng ta không biết rõ phương tiện của mình thì không thể “lên đường” đúng.
Phương tiện của hành giả Mật Tông chính là thân, khẩu ý. Hành giả Mật Thừa trước hết là phải nỗ lực tinh tấn – nghĩa là dùng thân, khẩu, ý để hành trì – và điều đó còn được gọi là tu tập/hành trì/thực hành Pháp. Hiển nhiên một hành giả Kim Cang Thừa phải là một hành giả Đại Thừa – tức là phải phát triển Sáu Hạnh toàn thiện (Lục độ Ba la mật). Đồng thời phải trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm và tích lũy công đức. Tích lũy công đức và khơi dậy Bồ Đề Tâm chính là nhân khởi của Phật quả. Quy luật cốt lõi của toàn bộ vũ trụ là luật nhân quả. Muốn đạt được Phật quả thì phải gieo nhân, và nhân duy nhất để gieo đó là Bồ Đề Tâm. Bồ Đề Tâm là nhân, là điều kiện cần thiết để thành Phật. Quan trọng nhất đối với một người tu đó là động cơ, vì động cơ quyết định hết thảy. Động cơ cần phải trong sáng. Các con phải luôn quán chiếu tâm mình. Ta làm việc ấy với động cơ gì? Có phải là với Bồ Đề Tâm hay không? Dù làm bất cứ việc gì, thế tục hay Phật sự, hành trì, đều cần có Bồ Đề Tâm. Không có tâm đó thì việc tu hành không thể đạt được kết quả nào cả. Bồ Đề Tâm cũng là một dạng tâm, nhưng nó hoàn toàn khác với những tâm bình thường khác của chúng sinh. Những ai có tâm đó chính là Bồ Tát; nó chính là thứ làm rõ sự khác biệt giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa. Nếu chúng ta tu theo Đại Thừa thì phải làm theo hạnh Bồ Tát: thật lòng chăm lo cho các chúng sinh khác.
Leave a Reply