Home 2017 May 31 Pháp thực hành ngoại Ngondro

Pháp thực hành ngoại Ngondro

Pháp thực hành ngoại Ngondro

Tiếp theo, chúng ta chuẩn bị để thực hành bốn niệm chuyển tâm – Ngoại Ngondro – bao gồm:

1) Thân người quý báu khó gặp – nhằm đối trị dính mắc với cuộc sống thế tục. Khi biết được sự quý báu của thân người chúng ta sẽ sử dụng cuộc sống của mình một cách ý nghĩa.

2) Vô thường – nhằm đối trị với sự lười biếng, dễ duôi. Sự hiểu biết về cái chết có thể đến bất cứ lúc nào sẽ tạo ra cho chúng ta một sức mạnh khiến chúng ta tu tập.

3) Nhân quả – khi quán chiếu được luật nhân quả, thấy được sự đeo bám của nghiệp lực. Chúng ta sẽ cương quyết không làm những bất thiện nghiệp, chăm lo tích lũy thiện nghiệp và công đức.

4) Bản chất của luân hồi là đau khổ – nhằm đối trị dính mắc của chúng ta với luân hồi. Bốn phần Ngoại Ngondro này chính là điểm dừng của các vị Thanh Văn và Duyên Giác, và quả vị cao nhất họ đạt được là A La Hán hoặc Độc Giác Phật.

Trong bốn niệm chuyển tâm thì điều đầu tiên là thân người quý báu khó gặp. Chúng ta phải quán chiếu sự may mắn của mình khi được thoát khỏi các điều kiện xấu như không phải sinh vào năm cõi khác. Nếu chúng ta phải tái sinh trong cõi địa ngục thì đau khổ là điều không thể tránh khỏi. Tương tự cho cõi ngạ quỷ: không có phút giây nào được thỏa mãn cơn đói khát của mình. Cái khổ ở cõi súc sinh là khổ của si – ngu dại. Vì không có trí tuệ cho nên có thể nói cõi súc sinh là cõi đáng thương nhất. Những chúng sinh cõi khác có thể chịu nhiều đau khổ, nhưng họ còn có thể suy nghĩ. Cõi Thiên, ở một khía cạnh nào đó cõi này, khá là sung sướng; và chúng sinh ở đó có tuổi thọ rất lớn. Nhưng do sung sướng như vậy nên chúng sinh cõi Thiên ham tận hưởng phước báu của mình mà không lo tu tập. Do phung phí hết tất cả phước báu nên khi mạng chung thông thường họ bị đầu thai xuống những cõi thấp. Chư Thiên do có thiên nhãn nên đã biết trước về cái chết của mình và biết mình sẽ tái sinh vào đâu. Chư Thiên khi ấy bị dày vò bởi sự lo lắng về cái chết, bị dày vò bởi nỗi sợ hãi bị đọa lạc. Những đau khổ vừa kể thật ra cũng không đau khổ bằng việc không thể tu được trong cõi này. Tương tự cho cõi Bán Thiên (Atula): chúng sinh cõi này cũng có một số năng lực, nhưng do tâm sân quá mạnh nên họ thường tranh đấu với nhau. Vì thế họ khó có thể tu hành. Đồng thời việc tranh đấu cũng sẽ tạo ra nhiều nghiệp ác và kết thúc của cõi này cũng là đọa lạc. Duy chỉ có cõi người có đủ đau khổ lẫn hạnh phúc, và nhờ đó mà con người mới có thể phát tâm tu hành.

Điều thứ hai, không có tà kiến. Được sinh vào cõi người, tin vào giáo Pháp của đức Phật và không vướng vào tà kiến là điều vốn dĩ không dễ. Thế nên đó là một điều rất may mắn. Điều may mắn thứ ba đó là được sinh ra trong thời Hiền kiếp vào thời gian giáo lý của Phật còn tại thế. Trong các chu kỳ của vũ trụ có những giai đoạn không hề xuất hiện một vị Phật nào cùng với giáo Pháp – còn gọi là “thời kỳ tăm tối”. Chúng ta có được may mắn sinh ra trong thời Hiền kiếp này, và đức Phật đã chuyển pháp luân ba lần. Những giáo lý đó lại được truyền trực tiếp đến ta qua dòng truyền thừa liên tục không gián đoạn. Chúng ta thật may mắn vì có những vị thầy hoàn hảo từ những dòng truyền thừa liên tục không gián đoạn. Các vị Đạo sư cũng như các Đại hành giả vẫn luôn liên tục hành trì để giữ sự liền mạch của giáo Pháp. Điều may mắn thứ tư, đó là không bị tật nguyền. Có 2 loại tật nguyền. Thứ nhất là câm, không nói được. Tuy nhiên với loại tật nguyền này nhưng nếu trí tuệ ta không bị giảm sút thì cũng còn là một điều may mắn. Khác với loại câm đó, trí tuệ câm (sự ngu si) là một bất hạnh lớn vì ngu si khiến người ta không thể thọ nhận được giáo pháp. Năm phẩm tánh tốt lành – thiện duyên – bên trong chúng ta. Đầu tiên là đầy đủ lục căn. Kế đến là sinh ở nơi trung thổ – nghĩa là chúng ta được sinh ra ở nơi có giáo lý đức Phật được tu trì và truyền bá rộng rãi. Có nhiều nơi trên trái đất này chưa từng được biết đến giáo lý của đức Phật. Nếu chúng ta sinh ở nơi chốn đó thì chắc chắn không thể biết được đến giáo lý của đức Phật. Phẩm tánh tốt thứ ba, về giới tính, chúng ta không thuộc vào hàng bất định căn. Phẩm tánh thứ tư, chúng ta không phạm vào ngũ nghịch trọng tội (giết cha, giết mẹ, giết A La hán, làm chảy máu một vị Phật, phá hòa hợp Tăng). Phẩm tánh cuối cùng, chúng ta có được lòng tin vào chánh Pháp. Do vậy khi nói thân người quý báu là khi có được thân người nhưng phải hội tụ đầy đủ 18 điều kiện vừa kể ở trên. Nếu không hội tụ đầy đủ 18 yếu tố đó, thì dù có được thân người cũng uổng phí mà thôi.

Có một ví dụ kinh điển để diễn tả sự khó khăn có được thân người quý báu. Có một con rùa mù nằm dưới đáy biển, lại có một chiếc vòng nhỏ trôi vô định trên mặt biển khơi mênh mông. Con rùa mù cứ 100 năm mới nổi lên mặt nước một lần. Khả năng để con rùa mùnổi lên mặt biển và chui lọt đầu vào chiếc vòng này bằng với khả năng có được thân người (gần như là không thể). Một ví dụ khác về số lượng, số lượng chúng sinh trong cõi địa ngục nhiều như số lượng vi trần trong toàn thế giới. Số lượng chúng sinh trong cõi ngạ quỷ nhiều như cát sông Hằng, số lượng chúng sinh trong cõi súc sinh thì như những hạt lúa mạch trong một thùng chứa bia, chúng sinh cõi Atula nhiều như lượng hạt tuyết trong trận bão tuyết lớn. Duy chỉ có số lượng của chúng sinh trong cõi Thiên và cõi người là rất ít so với các chúng sinh cõi khác – tựa như chút đất trong một móng tay. Do vậy, có được thân người này là vì chúng ta đã tích tập vô lượng công đức cũng như phát triển Sáu hạnh Toàn thiện (Lục độ Ba la mật) từ trong vô lượng kiếp trước. Thứ đến, chúng ta đã cúng dường lên Tam Bảo đồng thời hồi hướng công đức đó cho khắp tất cả nên công đức này mới được nhân lớn lên rất nhiều lần. Vì vậy, nếu chúng ta để cơ hội có thân người này vuột mất, thì gần như không thể có lại được nữa. Đây là một niệm trong bốn niệm chuyển tâm của Ngondro. Và khi quán chiếu về những điều này chúng ta nên quán chiếu sao cho chúng thành những bức tranh càng sinh động càng tốt.

Niệm chuyển tâm thứ hai, vô thường. Vô thường là pháp đối trị rất mạnh đối với sự dễ duôi, giải đãi mà chúng ta hay mắc phải. Để quán chiếu về vô thường thì đơn giản nhất là chúng ta quán chiếu những gì đang xảy ra trong cuộc sống. Chúng ta sẽ thấy rõ điều gì đến rồi sẽ đi, vật gì tăng trưởng rồi cũng có lúc suy tàn… Vạn vật có sinh ắt có diệt. Như mặt trời vừa nhô lên từ đằng Đông, cùng lúc đó thì bóng đã ngả về Tây. Tương tự như khi chúng ta vừa sinh ra đời là đã sẵn có một cái chết đang đến. Mọi việc trong cuộc đời này vốn không thể chắc chắn, duy chỉ có cái chết của tất cả chúng ta là việc chắc chắn sẽ đến. Qua sự quán chiếu về vô thường ta sẽ bớt được sự dính mắc vào những thứ mà chúng ta yêu quý. Ngoài ra, khi quán chiếu về vô thường chúng ta sẽ thấy được ngày nay chúng ta còn may mắn. Ở những thời kì trước, con người mang thân hình to lớn, cao 1 do tuần (16-20km), và thọ mạng lâu dài. Họ không cần phải ăn uống và có nhiều khả năng phi thường. Trải qua thời của ba vị Phật ở Hiền Kiếp này càng về sau thân thể và thọ mạng cũng như năng lực của con người ngày càng giảm dần. Như khi đức Phật Thích Ca còn tại thế tuổi thọ bình quân của con người là 100 tuổi. Đến thời chúng ta, bình quân tuổi thọ là 80 tuổi. Cứ vậy rút ngắn dần cho đến sau thời chúng ta, sẽ có lúc tuổi thọ con người còn lại chừng khoảng 10 tuổi. Và nguyên nhân chính để dẫn đến điều này đó là do chúng ta dính mắc vào tham ái, ngũ dục. Quay trở lại với cái chết: cái chết đến với chúng ta một cách rất đột ngột. Nhân duyên để giữ được mạng sống của chúng ta thì rất mong manh và ít ỏi so với những nhân duyên có thể khiến ta mất đi mạng sống. Thậm chí đến những nhân duyên vốn là để duy trì thọ mạng của chúng ta vẫn có thể biến thành những nhân duyên khiến ta mất mạng như thuốc uống, thức ăn bị hư hoặc sai liều lượng…Điều kiện để duy trì sự sống của con người càng lúc càng khó khăn. Do quán chiếu như vậy ta sẽ thấy được sự trân quý của cuộc sống. Nhờ vậy mà ta có thể quyết tâm nỗ lực từ nay về sau tu tập tinh tấn hơn không phí hoài cuộc sống này nữa.

Niệm chuyển tâm thứ ba: luật nhân – quả. Trong cuộc sống chúng ta có thể nhìn thấy, người làm việc thiện thường gặp nhiều điều thiện, người làm điều ác thường gặp nhiều điều ác. Nhờ vậy ta sẽ phát được lòng mong muốn không tạo bất thiện nghiệp. Tất cả mọi đau khổ của chúng sinh, tựu trung lại chỉ do một thứ duy nhất đó là chấp ngã. Từ chấp ngã mà phát sinh ra những thứ như là “tôi”, “của tôi”… và từ đó mà có dính mắc. Vì nó mà chúng ta trôi lăn trong sáu cõi luân hồi. Vì nó mà chúng ta phát sinh tất cả những thứ tâm xấu như là đố kị, ganh ghét. Do vậy ta phải cố gắng tránh mười bất thiện nghiệp. Trong đó có ba bất thiện nghiệp về thân (sát sanh, trộm cắp, tà dâm), bốn bất thiện nghiệp về khẩu (nói dối, nói lời ác, nói hai lời, nói lời vô ích), ba bất thiện nghiệp về tâm (tham, sân, si). Nghiệp theo ta như bóng theo hình, do vậy nếu chúng ta biết sợ quả báo thì phải quyết tâm tu hành và tịnh hóa thân, khẩu, ý.

Niệm chuyển tâm thứ tư là quán chiếu về đau khổ trong luân hồi. Chúng sinh trong 6 cõi luân hồi, tùy theo nhân duyên và nghiệp lực của mình mà cảm thọ những loại đau khổ khác nhau. Như nỗi đau khổ của chúng sinh cõi địa ngục là đau đớn về thân xác như là bị cắt, xé, nóng, lạnh trong một thời gian dài gần như là vô tận. Còn chúng sinh cõi ngạ quỷ lúc nào cũng bị dày vò trong cảnh đói khát nhưng không thể ăn uống – đồ ăn thức uống thì rất dơ bẩn hoặc họ không thể thọ nhận. Chúng sinh cõi súc sinh khổ vì không có trí tuệ. Chúng sinh cõi Atula thì luôn bị dày vò bởi tâm ganh ghét, sân hận với chư Thiên do vậy họ luôn gây chiến với các cõi trời và thường bị thất bại. Chúng sinh cõi trời thường chịu đau khổ trước lúc chết. Chúng sinh cõi người thì phải chịu đau khổ của sanh lão bệnh tử. Giữa các thời khóa ta cần liên tục quán chiếu sâu sắc không ngừng về bản chất đau khổ của luân hồi. Phần Ngoại Ngondro là một phần rất quan trọng vì nó giúp chúng ta phát triển được hạnh xả ly và quyết tâm thoát khỏi luân hồi sinh tử ngay trong kiếp này. Đồng thời giúp chúng ta tháo bỏ những dính mắc với cuộc đời này. Nếu chún ta không liên tục quán chiếu hoặc quán chiếu một cách hời hợt không chuyên tâm thì sẽ không đạt được kết quả nào cả. Thông thường mỗi niệm chuyển tâm với các con chỉ yêu cầu miên mật quán chiếu trong một tuần lễ. Nhưng ở Tây Tạng, chư Tăng Ni nhập thất quán chiếu miên mật bốn tuần.

Trong tuần đầu tiên mỗi ngày phải thiền định và quán chiếu miên mật hơn 10 tiếng. (khi có người hỏi Rinpoche “miên mật” là thế nào – Ngài đáp : ăn sáng, ăn trưa, ăn tối và thiền định – cả hội chúng cười ồ) Sau khi đã hoàn tất ngoại Ngondro, chúng ta chuyển sang giai đoạn tu tập nội Ngondro. Nội Ngondro gồm 4 phần. Đầu tiên thực hành pháp quy y lễ lạy và phát Bồ Đề Tâm. Tiếp đến là tịnh hóa, tụng thần chú Kim Cang Tát Đỏa. Thần chú này rất mãnh liệt, có thể tịnh hóa nghiệp của thân, khẩu và ý. Phần ba, tích lũy công đức thông qua việc thực hành cúng dường mandala. Phần cuối cùng là Bổn Sư Du Già (Guru Yoga), dùng để thiết lập mối liên hệ gắn bó giữa đệ tử và Đạo Sư.

 

Author: Tuấn Kiệt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *