Pháp tu tập theo lam rim tuần tự bước một
Một trong những nguyên tắc quan trọng, bất di bất dịch trong quá trình tu học Phật giáo là từ từ từng bước một (step by step). Trong lịch sử Phật giáo, các bậc Đạo sư, chư Tổ sư và các Đại thành tựu giả là những người sau nhiều năm tu học đã chứng đắc ở những mức độ cao nhất. Các ngài chắt lọc tất cả những gì tinh túy nhất trong Phật giáo (của cả Hiển và Mật Giáo) để lập thành một bộ pháp tu từ từ từng bước một. Trong tiếng Tạng bộ pháp này gọi là “lamrim” – con đường tu có thứ bậc đến giác ngộ. Đó là một con đường có thể đi đến giác ngộ nhưng lại không quá khó và phù hợp với căn cơ của chúng sinh. Trong Kim Cang Thừa có nhiều dòng truyền thừa nhưng về bản chất tất cả đều giống nhau. Tương tự, pháp tu lamrim tuy có bộ ngắn, bộ dài nhưng thực chất vẫn chỉ là một mà thôi. Tất cả các bộ lamrim đều có chung một nguyên tắc đó là tuần tự từng bước một.
Lý do đi từng bước một là vì giáo lý của chư Phật vốn dĩ thậm thâm, không dễ để nắm bắt và đưa nó vào cuộc sống đời thường. Cuộc sống con người vốn ngắn ngủi cho nên không thể thực hành hết được tất cả các Pháp môn đức Phật để lại. Thế nên điều chủ yếu là chọn lựa những thực hành phù hợp với mình, thông qua việc tuần từ từng bước một thì dần dần chúng ta sẽ đạt đến được kết quả cuối cùng – và tất cả bộ lamrim đều đưa đến một quả như nhau. Có những vị đạo sư không phải qua giai đoạn tu lamrim mà tu thẳng đến các pháp cao – nhưng đó là vì căn cơ các ngài cao. Còn chúng ta, những chúng sinh bình thường, không được phép nóng vội và tự cho phép mình đốt cháy giai đoạn bởi điều này sẽ đem lại những hậu quả rất nặng nề. Lamrim của dòng Kagyu được thể hiện trong cuốn Tràng Hoa Giải Thoát bao gồm 5 phần. Như lamrim của Drikung – “Năm giai đoạn của Đại thủ ấn”, bao gồm:
1. Gốc rễ của nhân chính là Bồ Đề Tâm.
2. Tinh túy của Kim Cang Thừa là Bổn Tôn
3. Tinh túy phẩm tánh giác ngộ là Bổn Sư (Guru Yoga 4 thân)
4. Gốc rễ của Ý nghĩa là Đại thủ ấn
5. Gốc rễ của phương pháp là sự tận tụy, trung thành, tâm xả thân vì Pháp Năm phần này đã bao gồm và thấu suốt toàn bộ giáo lý của Phật giáo. Vì lý do này nên pháp tu của Kim Cang Thừa còn được gọi là pháp tu viên mãn – đầy đủ và thấu suốt. Trước khi đi đến năm phần này thì chúng ta phải đi thông qua Pháp tu tiên yếu – Ngondro. Ngondro bao gồm bốn phần Ngoại Ngondro và bốn phần Nội Ngondro. Ta thường luôn nhắc các con: phải hành trì. Vì không có hành trì thì chúng ta không thể giác ngộ. Trong mỗi chúng ta đều có tiềm năng vĩ đại nhưng nếu ta không chịu hành trì thì đó vẫn chỉ là tiềm năng mà thôi và không thể trở thành hiện thực. Hành trì là con đường duy nhất. Trong Kim Cang Thừa có những pháp môn vi diệu tối thắng như là Đại thủ ân, Đại toàn thiện. Tuy nhiên để có thể thực hành các pháp đó vẫn phải bắt đầu từ pháp cơ bản nhất: lamrim. Chỉ với sự thực hành chính xác pháp cơ bản này chúng ta mới đủ tư cách và sự chín chắn để thọ nhận các pháp cao cấp và thẳng tiến đến Phật quả.
Việc đạt đến Phật quả thật là một ước muốn cao đẹp, nhưng con đường để đến Phật quả thì thật sự là rất rất khó khăn. Thật ra ngay bản thân đức Phật lúc đầu Ngài cũng giống như chúng ta. Sau khoảng thời gian rất dài là 3 a tăng tỳ kiếp Ngài đã chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đức Phật đã trao cho chúng ta những pháp tu Mật Thừa rất mãnh liệt và hiệu quả. Việc còn lại là do ở chúng ta. Và lamrim cũng như vậy. Lamrim là pháp tu nhanh. Nhưng nhanh một cách bài bản và chính xác.
Leave a Reply