Cách thức phát triển Bồ đề tâm
Đức Phật từng dạy rất nhiều phương pháp để phát triển Bồ Đề Tâm. Có một cách rất hữu hiệu đó là quán chiếu tất cả hữu tình chúng sinh đã từng một lần là mẹ của ta. Trong các kinh của cả Hiển giáo và Mật giáo đều ghi rõ rằng tất cả chúng hữu tình từ trong vô lượng kiếp trước ít nhất cũng có một lần là mẹ của ta. Hãy tự suy ngẫm: mẹ của mình đã chịu vất vả, đau khổ như thế nào để sinh thành, nuôi dưỡng và dạy dỗ mình ngay từ tấm bé. Khi mình lớn lên thì đã phải vất vả thế nào để bảo vệ mình trước những nguy hiểm rình rập, cũng như lo lắng chăm sóc cho mình nên người. Hãy suy ngẫm đến tình yêu vô lượng, bất tận của người mẹ đối với mình. Khi suy ngẫm đến công ơn mẹ như vậy, chúng ta sẽ phát khởi một lòng biết ơn, kính quý sâu sắc và ta sẽ mong muốn đền đáp công ơn của mẹ. Từ người mẹ ruột chúng ta trải lòng mình ra đến tất cả hữu tình chúng sinh vì tất cả đều đã từng ít nhất một lần là mẹ của ta. Như vậy sẽ phát triển được tình thương yêu của chúng ta đối với tất cả chúng sinh, rồi tình thương yêu này sẽ tiếp tục phát triển thành Bồ Đề Tâm.
Phương pháp quán chiếu thứ hai là “hoán chuyển ngã tha”. Đầu tiên quán chiếu mình và các chúng sinh khác đều khao khát được yêu thương, đều không muốn bị não hại. Nhờ vậy ta có thể trưởng dưỡng tâm từ bi. Khi tâm từ bi lớn hơn, các con thực hiện quán chiếu theo cách đặt các chúng sinh khác cao hơn bản thân mình – đây chính là tâm Bồ Tát. Nguyện nhận hết những đau khổ của họ về mình và trao cho họ hết tất cả những hạnh phúc, những điều tốt đẹp mà mình có. Từ những tình yêu đơn sơ ban đầu sẽ dần dần hình thành tâm từ bi. Và điểm mấu chốt của tâm từ bi chính là sự cảm thông và khả năng thấu hiểu được đau khổ của chúng sinh. Một người có lòng từ ái, biết thương yêu và nghĩ tưởng đến đau khổ của người khác, luôn mong muốn họ được hạnh phúc là một người có sự khởi đầu rất tốt đẹp, là một người rất đáng trân quý. Những người luôn tỏa ra tình thương yêu, sự ấm áp, dịu dàng đối với mọi người, luôn mong mỏi mọi điều trở nên tốt đẹp, mong muốn người khác bớt được nhiều đau khổ, được hạnh phúc là những người có sức cảm hóa rất lớn. Nếu chúng ta khéo quan sát hơn thì trong cuộc sống ta sẽ thấy có rất nhiều người bị thiệt thòi, đau khổ, yếu đuối cần sự che chở của chúng ta như những người già, người đang đau ốm, bệnh tật. Khi chúng ta ghé đến các trung tâm những người khuyết tật, các bệnh viện, trại trẻ mồ côi chúng ta sẽ thấy rất nhiều người bất hạnh. Gặp họ tự nhiên chúng ta sẽ phát khởi lòng thương yêu và cho dù tình cảm ấy vẫn còn thô nhưng đó là nhân khởi rất tốt đẹp cho việc phát triển Bồ Đề Tâm. Qua đó ta thấy Bồ Đề Tâm rất cần một mảnh đất vững chắc để có thể phát triển – đó là tình thương yêu đối với đồng loại, với những người bất hạnh cần che chở. Từ tình thương yêu đó ta sẽ phát khởi được tâm từ bi, từ tâm từ bi ta sẽ phát khởi được Bồ Đề Tâm. Từ Bồ Đề Tâm tương đối là mong muốn tất cả chúng sinh thành Phật quả cho đến Bồ Đề Tâm tuyệt đối tức là Bồ Đề Tâm của một vị Phật.
Cần lưu ý: Chúng ta phải làm theo trình tự. Ước muốn sự hạnh phúc và thoát khỏi đau khổ cho những người thù ghét hãm hại, gây chướng ngại cho mình, rồi mới đến tất cả hữu tình chúng sinh. Lúc nào cũng phải có hai phần: ước muốn hạnh phúc và thoát khỏi đau khổ. Bồ Tát là những người luôn cầu mong cho những ai thù ghét mình, gây chướng ngại cho mình gặp được hạnh phúc. Họ là những người đã vượt qua được chướng ngại của tâm. Bồ TátBồ Tát thương yêu kẻ thù của mình – hoàn toàn khác với những chúng sinh bình thường. Chúng ta phải thấy rõ không phải chỉ riêng mình hay một ai đó đặc biệt mà là tất cả các chúng sinh, không sót một ai, đều sẽ trở thành Phật. Thông thường, chúng ta nhìn sự vật và hiện tượng bằng con mắt thế gian. Phụng dưỡng bố mẹ, báo hiếu cho bố mẹ đơn thuần bằng thuốc thang, thực phẩm, quần áo, nhà cửa, phương tiện đầy đủ – đó là một cách báo hiếu rất tốt. Tuy nhiên nó chưa được sâu sắc, chưa thể hiện trí tuệ. Vì cách báo hiếu sâu sắc nhất, tốt nhất đối với những người mẹ đã từng chăm lo cho mình đó là báo hiếu bằng Pháp. Như chúng ta đã biết, khi Đức Phật Thích Ca ra đời được một tuần thì mẹ Ngài qua đời. Sau khi giác ngộ Ngài đã lên cung trời Indra (Đế thích) để thuyết pháp cho mẹ trong vòng 3 tháng và giúp cho mẹ Ngài đạt được chứng ngộ (Rinpoche giải thích rằng đức Phật từ cung trời Đao Lợi (Tushita) xuống cõi Diêm Phù Đề để truyền trao chánh Pháp. Mẹ Ngài sau khi qua đời được lên cõi trời Đế Thích( Indra). Trong cuốn lịch Tây Tạng “Rigpa Tibetan Calendar” cũng ghi rõ sự kiện đức Phật tới cung trời Đế Thích thuyết Pháp – LND). Đó chính là báo hiếu bằng Pháp. Chúng ta là những Phật tử, những người con của đức Phật lại càng nên noi theo gương của Ngài. Cũng như thế, cách báo hiếu tốt nhất đối với tất cả các bà mẹ chúng sinh của ta là giúp họ đến với chánh Pháp và đạt đến giác ngộ giải thoát càng sớm càng tốt. Người ta thường nghĩ: “Làm sao tôi có thể báo hiếu cho bố mẹ mình hay giúp đỡ các hữu tình khác bằng Pháp được khi tôi còn là một con người bình thường, đầy khiếm khuyết”. Cần phải có lòng tin vào bản thân mình. Trong mỗi chúng ta đều có đầy đủ các khả năng để đạt đến Phật quả viên mãn. Ta có được thân người quý báu, lại sở hữu đầy đủ thân, khẩu, ý là những phương tiện hoàn hảo. Vì vậy, không có lý do gì khiến ta không tin rằng mình không thể thành Phật hay giúp chúng sinh khác thành Phật. Đức Phật trước đây cũng là một chúng sinh bình thường. Thế nhưng Ngài vì có lòng tin và vì hành trì đúng đắn thế nên bây giờ Ngài đã thành Phật. Tuy nhiên, hiện giờ các năng lực của các con còn ở dạng tiềm năng. Chỉ có thể khiến chúng hiển lộ thành năng lực thật sự thông qua một con đường duy nhất đó là thực hành giáo lý. Cũng như một đứa trẻ, khi vừa ra đời thì mọi năng lực của nó đều ở dạng tiềm năng. Nếu giáo dục không tốt sẽ làm phí hoài cuộc đời của nó. Cũng đứa trẻ đó nhưng ở trong môi trường tốt đẹp nó sẽ phát triển thành người có đạo đức, tài năng. Thậm chí nếu gặp thuận duyên người ta có thể đạt được Phật quả viên mãn chỉ trong một đời.
Ta nhắc lại cho các con một lần nữa về Bồ Đề Tâm. Bồ Đề Tâm là tinh túy của tất cả 84.000 pháp môn của chư Phật. Vì sao Bồ Đề Tâm lại quan trọng tới như vậy? Vì động cơ của chúng ta khi làm việc gì đó chính là nhân của mọi sự. Nếu nhân sai thì sẽ sinh ra quả sai, nếu nhân đúng sẽ sinh ra quả đúng. Và quả gặt được của nhân Bồ Đề Tâm là đạt được mọi điều chúng ta mong ước (sở cầu như ý).
Chúng ta ước muốn được giác ngộ, chúng ta sẽ được giác ngộ giải thoát. Chúng ta ước muốn chúng sinh hạnh phúc, tất cả chúng sinh sẽ được hạnh phúc. Và người có trí tuệ sẽ sớm nhận biết được rằng phải giúp tất cả chúng sinh đạt đến Phật quả viên mãn thì mình mới có thể đạt đến Phật quả viên mãn. Có nhân là Bồ Đề Tâm thì mới có quả là Phật quả. Như ta đã nói ở trên, Bồ Đề Tâm là tinh túy của tất cả pháp môn của chư Phật, thế nên có được Bồ Đề Tâm chúng ta có thể thâm nhập được tất cả các pháp. Ngoài ra, các con phải chú ý vào ba yếu tố từ, bi và tâm. Từ có nghĩa là thương yêu. Muốn phát triển thương yêu, ta phải biết bản chất của nó là gì! Trước tiên đó là sự cảm thông với người khác. Vì cảm thông được với đau khổ của người khác chúng ta mới có thể khởi phát được tâm Từ, sự thương yêu. Một cách khác nữa để phát triển tâm Từ là bắt đầu quan tâm chăm sóc người khác. Do sự quan tâm và chăm sóc thì ta sẽ dần dần cảm thông và từ đó phát khởi tâm Từ. Tâm Từ, tâm Bi và Bồ Đề Tâm như nước cam lồ, có thể xoa dịu đi những nóng rực của lửa sân hận, làm tan đi những băng giá lạnh buốt của thù hằn. Từ tâm Từ chúng ta mới có thể khởi phát tâm Bi.
Khi chúng ta yêu thương người khác thật sự thì chúng ta mới có thể phát khởi được lòng mong muốn họ thoát khổ. Và dĩ nhiên với trí tuệ của người học Phật, cách thoát khổ toàn hảo nhất chính là giác ngộ viên mãn. Tâm Bi chính là lòng mong muốn tất cả chúng sinh sớm đạt được Phật quả . Khi tâm Từ và tâm Bi đã phát khởi chính là lúc Bồ Đề Tâm phát khởi. Một điều quan trọng nữa, đó là biết được tâm của chúng ta. Biết được tâm mình, biết được động cơ khi hành động vốn không phải là một việc dễ dàng. Động cơ cá nhân hay động cơ xuất phát từ Bồ Đề Tâm trong sáng? Để nhận biết được tâm mình chúng ta phải tu học. Người ta có thể làm rất nhiều điều nhìn từ bên ngoài rất tốt như bố thí, trì giới, trì chú v. v. nhưng nếu thật tâm không khao khát tất cả việc đó sẽ đem lại giác ngộ giải thoát cho bản thân mình và cho tất cả chúng sinh thì lợi lạc thu được rất ít ỏi. Ngược lại nếu ta làm việc đó với sự khao khát giải thoát mãnh liệt và trong sáng thì quả chúng ta thu được là vô lượng.
Leave a Reply