Cách thực hành lễ lạy trong Kim cương thừa
Câu hỏi: Xin Ngài cho con biết những kĩ thuật về tụng chú và hướng dẫn lễ lạy ngondro ?
Chỉ biết phải tu ngondro thế nào thôi chưa đủ mà điều quan trọng là phải suy tư, quán chiếu về điều này liên tục suốt ngày để cuối cùng có thể chuyển hóa, nhập tâm. Buổi sáng sớm khi mở mắt dậy phải nghĩ ngay đến “thân người quý báu khó gặp” như thế nào. Như vậy thì ta mới có động lực mạnh mẽ để không nằm ngủ nướng mà vùng dậy ra khỏi giường. Nếu không hiểu sâu sắc thân người quý báu và khó gặp như thế nào thì ta sẽ cho phép mình ngủ bao nhiều cũng được. Còn khi đã hiểu sâu sắc điều này thì bạn sẽ không thể phung phí một giây phút nào trong cuộc đời. Vì vậy lúc nào trong tâm cũng phải tự nhắc nhở phải trân quý báu thân này.
Tương tự như vậy, phải luôn nhớ rằng quá trình ngủ rất giống với quá trình chết. Cùng một bản chất huyễn mộng. Mỗi
132
giây có vô lượng chúng sinh chết đi, chỉ có điều là các con không biết đó thôi. Con có thể chết bất cứ lúc nào. Khi con chết, con sẽ bị nghiệp lực mà con đã tích lũy lôi kéo. Nếu con không thanh tịnh tâm mình trong kiếp sống này thì con sẽ không thể nào có lại được thân người quý báu ở kiếp sống sau. Tóm lại, vào buổi sáng, hãy nghĩ về “thân người quý báu khó được”; suốt cả ngày trong mọi hoạt động, hãy quán chiếu về nghiệp do thân, khẩu, ý tạo ra. Buổi tối trước khi rơi vào giấc ngủ, hãy nghĩ về vô thường. Con hãy làm như vậy suốt cả ngày, suốt cả đời, chừng nào vẫn còn sống trên cõi đời này.
Lễ lạy bao gồm cả lễ lạy bằng thân và tâm. Mà tâm là quan trọng nhất nên lễ lạy bằng tâm quan trọng hơn lễ lạy bằng thân. Khi chúng ta lễ lạy bằng tâm thì cần phải nhớ tới sự tôn quý của Tam Bảo và phát triển tâm chí thành, chí tín đối với Tam Bảo. Đó chính là lễ lạy bằng tâm. Khi lễ lạy, chúng ta phải quán chiếu rằng chỉ có một con đường duy nhất giúp chúng ta thoát khỏi luân hồi và đau khổ là nương tựa nơi Tam Bảo. Tam Bảo là cội nguồn duy nhất để chúng ta quy y.
Phật Bảo bên trong chính là chánh niệm. Pháp Bảo bên trong chính là tình thương yêu. Nếu chúng ta có hai thứ đó thì chúng ta sẽ được che chở, được hộ trì suốt cuộc đời. Nếu chúng ta thực hành được hai điều đó thì chúng ta sẽ có sangha (tăng) đích thực [chữ “sangha” có nghĩa là “tăng”, “đạo tràng”, “tăng đoàn”]. Để có được tăng/đạo tràng/giáo đoàn đích thực, chúng ta phải chăm lo cho những người khác và có như thế chúng ta mới xây dựng được cộng đồng của những người tu. Phải hết sức nỗ lực để mang lại lợi lạc cho những người khác. Hãy thương yêu những người khác. Nếu bạn thương yêu người khác, nếu bạn có lòng vị tha, thì thói quen chấp ngã sẽ giảm dần và biến mất. Ví dụ, như nếu bạn chăm lo cho cái chân thì cả cơ thể sẽ khỏe mạnh. Thế nhưng, nếu bạn làm tổn thương cái chân thì cả cơ thể đều sẽ bị thương tổn. Phải hiểu rằng mình và người là không thể tách rời. Làm hại người khác tức là làm hại chính bản thân mình và cái hại sẽ quay trở lại với chính bản thân ta.
Giúp người khác chính là giúp bản thân mình – đó là vô ngã vị tha. Bạn sẽ hạnh phúc ngay bây giờ và trong tương lai. Đó chính là lý do tại sao bậc Đạo sư đều dạy rằng không được làm hại người khác và phải làm lợi lạc cho người bằng bất cứ cách nào khi có thể . Nếu chúng ta làm được điều đó tức là chúng ta có Tăng Bảo trong tâm.
Khi chúng ta lễ lạy, ta nghĩ tưởng tới sự tôn quý của Tam Bảo. Chư Phật có ba thân: Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Pháp thân là tâm của chư Phật và tâm chư Phật là vô biên bao trùm khắp vũ trụ. Báo thân ví như bầu trời còn Hóa thân thì giống như mây trong hư không. Khi tu pháp Bổn tôn ta tụng nghi quỹ thì đó là lúc ta tiếp xúc với Báo thân – chính việc tiếp xúc với Báo thân sẽ đem lại vô lượng lợi lạc cho chúng ta.
Khi lễ lạy, hãy nghĩ tưởng tới cây Quy y, quán tưởng cây Quy y. Đôi lúc hãy nghĩ tới tất cả những nhiễm ô của mình và thành tâm sám hối với mong muốn mãnh liệt được tịnh hóa hoàn toàn. Đôi lúc hãy nghĩ tưởng tới công đức của Tam Bảo. Và điều quan trọng nhất là hãy nuôi dưỡng tâm chí thành, chí tín với Tam Bảo. Khi lễ lạy hãy quán tưởng rằng hiện đang có vô lượng chúng sinh với con số được nhân lên hàng triệu triệu lần. Hãy quán tưởng rằng mình đang lễ lạy cùng với chúng sinh của khắp sáu nẻo luân hồi, vô lượng chúng sinh đang cùng lễ lạy.
Việc lễ lạy có những khó khăn, gian khổ về phương diện thân và nhờ đó mà ta có thể tịnh hóa nghiệp về thân. Trong khi lễ lạy, chúng ta tụng lời nguyện quy y bằng miệng và nương vào đó mà tịnh hóa nghiệp khẩu như nói dối, nói lưỡi đôi chiều gây chia rẽ, nói lời hung ác, nói lời vô nghĩa. Khi lễ lạy chúng ta nghĩ tưởng tới công đức của Tam Bảo và làm tăng trưởng tâm chí thành, chí tín đối với Tam Bảo – đó là lúc chúng ta tịnh hóa những ô nhiễm về tâm là tham, sân và si. Như vậy chúng ta tịnh hóa tất cả những bất tịnh của thân tâm bằng pháp lễ lạy.
Khi lễ lạy bằng thân, ta phục xuống và nghĩ rằng mình đang xuống sáu cõi để cứu giúp cho chúng sinh ở đó. Khi đứng lên, chúng ta nghĩ rằng mình đang đưa tất cả các chúng sinh đó tới giải thoát tối hậu; không phải chỉ một mà là hết thảy chúng sinh không sót một ai. Như vậy, có thể nghĩ tưởng về công đức của Tam Bảo vào ngày đầu tiên, ngày hôm sau quán bốn niệm chuyển tâm và ngày hôm sau nữa quán tưởng cây Quy y. Cứ như thế mà thay đổi lần lượt.
Lễ lạy là nhằm tăng trưởng lòng kính quý, đức tin nơi Tam Bảo. Còn cúng dường mandala là pháp đối trị với tâm chấp ngã. Khi chúng ta cúng dường mandala chúng ta cúng dường toàn bộ vũ trụ bên ngoài, tất cả những gì tồn tại nơi đó. Đó là ngoại cúng dường. Ngoài ra, chúng ta phải thực hành cúng dường những gì tâm ta còn dính mắc. Ví dụ như trong nhà ta có một bức tượng nhỏ và ta luôn nghĩ:” Nó là của tôi. Của tôi!” Khi đó ta cúng dường nó cho Tam Bảo cùng với tất cả tài sản của ta, những gì tâm ta còn dính mắc. Đó là nội cúng dường. Khi ta nhìn thấy một bông hoa đẹp hay khi ta thấy bất cứ vật gì ta ưa thích thì không nên khởi tâm chiếm hữu:” Nó là của tôi! Của tôi!” Thay vào đó hãy hướng tâm tới Tam Bảo và nghĩ rằng Tam Bảo đã ban tặng cho ta điều kỳ diệu đó. Thứ ba, chúng ta cũng cúng dường tâm chấp ngã và đó là cúng dường ẩn mật.
Leave a Reply