Phong thủy và tâm linh là một thể thống nhất
Phong Thuỷ và Tâm Linh
Những người nghiên cứu môn Phong Thuỷ, đem những kiến thức và sở học của mình ra giúp người, giúp đời thời nay cần nhất điều gì ? đó chính là cái “Tâm”. Nếu chỉ võ vẽ dăm ba chữ tồi tự xưng là “thầy” đi loè thiên hạ kiếm mấy đồng bạc thì sẽ phải chuốc lấy những tai hoạ khôn lường. Mà điều này, nhiều kẻ đã nhắm mắt đi theo bất chấp những quy luật hiện hữu. Không những thế, một bộ phận những người mê muội lại tin theo đã vô tình tiếp tay cho những kẻ dốt nát có cơ hội hành nghề kiếm lợi…
Luật nhân quả luôn luôn hiện hữu và chi phối thế gian và vũ trụ này. Sinh ra những lý thuyết và quy luật về âm dương ngũ hành, Kinh Dịch và Phong Thuỷ học là những chìa khoá khám phá những quy luật của thế giới tự nhiên và vũ trụ. Những người tinh thông ngoài “căn cơ” có sắn còn phải có một cái tâm trong sáng để không làm đảo lộn những quy luật của tự nhiên. Phải biết lựa giúp cho từng người, từng dòng họ sao cho thuận hợp với lẽ nhân quả. Không nên chỉ vì những lợi ích trước mắt mà tự chuốc lấy những tai hạ cho mình. Bởi thế có câu “nhất yểu, nhì bần, tam vô tự” là lời răn về hậu quả cho những kẻ thiếu tâm thiếu đức trong xã hội thời mạt pháp ngày nay…
Phong Thuỷ là môn triết học về vũ trụ và tự nhiên, nó nghiên cứu và khám phá trên tinh thần tôn trọng tự nhiên, hài hoà với tự nhiên và một sự say mê hoà nhập với tự nhiên. Từ đó, tìm ra những quy luật khám phá và sử dụng năng lượng tự nhiên để đem lại những điều tốt lành cho cuộc sống con người. Trong Kinh Dịch, Thái cực là một thể đồng nhất, là cái bản thể, từ cái “thể” này mà phát sinh ra cái “dụng” tức là Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, tạo thành cái vòng tương sinh biến hoá, cấu trúc này chi phối vạn vận và con người…
Từ cái bản thể là Thái Cực, một bản thể đồng nhất, thanh tịnh, không hình không ảnh, không sinh không diệt, không có điểm khởi đầu và điểm kết thúc, không ngằn mé và ranh giới, phát sinh ra những diệu dụng linh hoạt đó là những quy luật tương tác của Kinh Dịch và các phạm trù âm dương ngũ hành…
Liên tưởng với nhân sinh quan Phật Giáo, “Tâm” là ông chủ tạo tác ra tất cả. Bản tâm vốn thanh tịnh, không sinh không giảm, không tăng không bớt, không có biên giới và hình thể. Từ bản “Tâm” diệu dụng này mà sinh ra những hiện tượng tâm lý cũng như những đặc tính vật lý của con người. Vậy phải chăng, Phong Thuỷ và Tâm Linh chỉ là một. Đem cái “Tâm” thanh tịnh ứng dụng vào phong thuỷ mới thấy được sự uyên áo, sự hài hoà tận cùng của vũ trụ và tự nhiên. Tâm chan hoà vào tự nhiên, cảnh vật, vào sông núi thì tức khắc sẽ có những diệu dụng hiện tiền, đó là những bố cục, hình thế, bài trí thuận hợp với tự nhiên và những quy luật của khoa địa lý phong thuỷ.
Trong những trường hợp phá cách, đất đai nhà cửa có những bất lợi về địa hình, khí và lý tính (hướng, quy hoạch), phải làm thế nào để khắc phục và chuyển hoá ? Phong Thuỷ học dùng những biện pháp như trấn yểm để hoá giải. vậy “trấn yểm’ thực chất là gì hay chỉ là những tiểu xảo lừa bịp của giới thuật sĩ giang hồ, hiệu quả có đạt được hay không thì có rất nhiều điều cần phải bàn. Phải lấy cái “Tâm” bản thể để phát huy được những năng lượng thanh tịnh và mạnh mẽ vô biên để xoay chuyển năng lượng xấu của âm dương ngũ hành, mục đích để biến hung hoá cát, đem lại lợi lạc cho mọi người. Đó là quan điểm, chỉ có năng lượng tâm linh thực sự mới xoay chuyển được năng lượng âm dương, ngũ hành.
Lời cuối là mong muốn những người nghiên cứu phong thuỷ sớm tìm được cái bản tâm của mình để đạt được những thành tựu, đừng vì lợi ích nhỏ bé mà chuốc lấy những hậu quả. Những người đi tìm thầy cũng nên sáng suốt hơn trong việc chọn lựa, kẻ nào chỉ ham danh trục lợi thì phải biết rõ rằng, đó là những kẻ tâm thường không xứng đáng là người hành đạo …
Leave a Reply